Giải Trình Năm triền cái

Quán pháp Năm Triền Cái

Khái niệm “PHÁP” trong kinh tạng Nikaya có một nội dung rất rộng. Ở đây, trong phạm vi của Bốn Niệm Xứ cần phân biệt hai loại pháp: pháp thiện và pháp bất thiện, hay pháp chánh và pháp tà.

_Pháp thiện hay chánh pháp là những pháp môn, học pháp, phương pháp tu tập của Đức Phật giúp giải thoát khỏi khổ đau, đem lại an lạc và hạnh phúc. Ví dụ như các pháp Bốn Niệm Xứ, Bốn Thánh Đế, Tám Chánh Đạo, Bảy Giác Chi, Như lý tác ý, Chỉ, Quán v..v…..

_Pháp bất thiện hay tà pháp là những pháp gây ra khổ đau, trói buộc, phiền não. Ví dụ như các pháp năm triền cái, năm thủ uẩn, tám tà đạo, các kiết sử v..v…

Ngoài ra các đối tượng bên ngoài ta cũng được hiểu là các”pháp”, do đó khái niệm “ quán pháp” còn có nghĩa là phải quán xét các pháp trên trong mối quan hệ giữa ta và các đối tượng bên ngoài. Đây chính là yếu tố quan trọng để phân biệt hệ thống quán pháp với các hệ thống quán thân, quán thọ và quán tâm.

Nếu mục đích của quán thân trên thân, quán thọ trên các thọ, quán tâm trên tâm nhằm chặt đứt các kiết sử, phiền não trói cột” ta với ta” vào với đau khổ, thì hệ thống quán pháp giúp đoạn trừ các pháp bất thiện gây cho ta khổ đau trong mối quan hệ giữa ta và các đối tượng khác. Trong mối quan hệ này, phương pháp “ quán pháp trên các pháp” chính là quán xét tu tập một pháp thiện trên một pháp bất thiện nhằm khắc phục và đoạn trừ dần những khổ đau do hệ luỵ với các đối tượng khác. Sự phân định này sẽ được thấy rõ hơn trong quá trình quán pháp Năm Triền Cái. 

Trong bài kinh Tam Minh, Đức Thế Tôn đã định nghĩa năm triền cái rất cụ thể: “Cũng vậy, này Vàsettha, có năm triền cái được gọi là chướng ngại cũng được gọi là triền cái, cũng được gọi là màn che, cũng được gọi là triền phược trong giới luật của bậc Thánh. Thế nào là năm ? Dục cái, sân cái, hôn trầm thuỳ miên cái, tạo hối cái, nghi cái” (TrB1, 13=[So.48.30])

Năm triền cái chính là những pháp bất thiện, là tà pháp cần phải đoạn tận, bởi lẽ: “Nói đến một đống bất thiện, này các Tỷ-kheo, nói một cách chơn nhánh là nói đến năm triền cái. Thật vậy, này các Tỷ-kheo, toàn bộ đống triền cái. Thật vậy, này các Tỷ-kheo, toàn bộ đống bất thiện tức là năm triền cái” (TC V:52, tr.410 = [I.5.52]) .

--“Năm triền cái này, các Tỷ-kheo, tác thành si ám, tác thành không mắt, tác thành vô trí, đoạn diệt trí tuệ, dự phần vào tổn hại, không đưa đến Niết-bàn” (TƯ5, 97 = [Ve.9.40]).

Cụ thể hơn, trong bài kinh “ Ngăn Chặn”, Đức Thế Tôn đã nói rõ những sự nguy hại của năm triền cái và ý nghĩa tự lợi- lợi tha trong việc đoạn tận những pháp bất thiện này: “Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy không đoạn tận năm chướng ngại triền cái này bao phủ tâm, làm yếu ớt trí tuệ. Không có sức mạnh, và trí tuệ yếu kém, sẽ biết lợi ích của mình, hay sẽ biết lợi ích của người, hay có thể biết lợi ích của cả hai, hay sẽ biết lợi ích của người, hay có thể biết lợi ích của cả hai, hay sẽ chứng ngộ được pháp Thượng nhân, tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh; sự kiện này không xảy ra.

…Này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo ấy, sau khi đoạn tận năm chướng ngại triền cái này bao phủ tâm, làm yếu ớt trí tuệ. Có sức mạnh và có trí tuệ, sẽ biết được lợi ích của mình, hay sẽ biết lợi ích của người, hay sẽ biết được lợi ích cả hai, sẽ chứng ngộ được pháp Thượng nhân, tri kiến thù thắng, xứng đáng bậc Thánh; sự kiện này có xảy ra” (TC V;51, tr.408-409 = [I.5.51])

Chính vì vậy Năm triền cái là hệ thống, bất thiện pháp đầu tiên được nếu lên trong hệ thống quán pháp. Muốn đoạn trừ các pháp ác, bất thiện này cần phải quán xét nhận thức thấu đáo lần lượt từng triền cái một.